TÂM SỰ VỚI CHA I-NHÃ

 

Nội Dung

Thiếu Thời (1491-1521)

Thanh Tẩy (1521-1522)

Cảm Nghiệm ở Manresa (1522-1523)

Hành Hương và Trở Về Đi Học (1523-1524)

Paris và Nhóm Thân Hữu (1528-1535)

Những năm cuối tại Roma (1541-1556)

 

Du khách đến Roma không thể nào bỏ qua thánh đường “Il Gesù” (Chiesa del Gesù, Thánh Danh Chúa Giêsu), nhà thờ “mẹ” của dòng Tên ở Roma.  Nhưng bên cạnh ngôi thánh đường nguy nga xây dựng theo kiểu Baroque là một khu nhà nhỏ, nơi thánh I-nhã và các cộng sự viên tiên khởi của người đã sinh sống và làm việc từ năm 1544, sau khi dòng Tên được chính thức hoạt động từ năm 1540. 

Căn nhà này (góc đường Via d’Ara Coeli và Via di San Marco, khoảng 100 mét phía nam của Il Gesù) là cư sở thứ năm và cuối cùng của thánh I-nhã.  Trong căn nhà đơn sơ xây bằng gạch và đá trát vôi, với những cột gỗ thấp lè tè và nền gạch đất nung thô sơ, cha I-nhã đã điều hành tất cả các hoạt động của hội dòng cho đến khi người qua đời năm 1556.  Nơi đây người đã cặm cụi viết và trả lời trên 7000 lá thư về đủ mọi đề tài, từ việc thiêng liêng cho đến xây dựng trường ốc.  Đây cũng là nơi người soạn thảo Hiến Pháp dòng (the Constitutions, 1549-1553) đặt nền tảng hoạt động cho dòng. 

Cuộc đàm thoại sau đây dựa trên lời kể của thánh I-nhã cho cha Luis Gonçalves da Câmara (trong những năm 1553-1555) qua bản dịch của cố linh mục Quercestti Hoàng văn Lục, SJ cộng với những nghiên cứu của linh mục Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ.  Người viết cố gắng trung thành với bản văn, chỉ thêm chi tiết hoặc tóm lược khi nào cần thiết để người đọc dễ dàng theo dõi câu chuyện

*****

Bước lên những bậc cầu thang ọp ẹp, tôi rẽ vào một hành lang nhỏ dẫn đến căn phòng của người.  Căn phòng khá đơn sơ, ngăn làm đôi.  Bên ngoài là phòng làm việc, bên trong là phòng ngủ.  Một chiếc bàn cũ với một vài cái ghế gỗ đã bạc mầu thời gian.  Đằng sau, ánh sáng vàng vọt chiếu lên bức tường.  Giữa căn phòng làm việc có trưng bày một tượng của thánh I-nhã bằng đồng đen, lấy mẫu từ gương mặt của người lúc mới qua đời (death mask).  Tôi quỳ xuống và nhắm mắt lại cầu nguyện…

Nghe có tiếng động khe khẽ, tôi mở mắt ra và nhìn về bàn làm việc.  Đằng sau ngọn đèn dầu leo lét, một người đàn ông đang cặm cụi viết.  Chiếc trán hói và cái mũi khoằm chỉ gặp một lần chắc khó quên.  Tôi nhận ra người ngay.  Tôi rụt rè tiến đến.  Người đàn ông ngửng lên, mỉm cười và nói với tôi: “Anh đến thăm cha hả?  Đợi cha một tí nhé!”  Nói xong, người ký tên vào miếng giấy còn đang viết dang dở — Ignatius.  Chữ viết khá đẹp, sắc nét.

“Ngồi xuống đây”, người khoát tay bảo tôi ngồi, rồi đứng dậy bước về chiếc ghế gỗ gần đó.  Cha I-nhã không cao lắm, người gầy gò, đi lại hơi khập khiễng.  Hỏi han tôi một hồi rồi người nheo mắt nhìn tôi:  “Anh đến tìm cha có việc gì không?”  Tôi ấp úng: “Con biết cha rất bận.  Nhưng con xin cha, nếu có thể được, cho con phỏng vấn một tí cho báo Đồng Hành được không ạ?”  Người cười xoà: “Phỏng vấn à, thế anh muốn biết điều gì?”

Tôi móc sổ tay và liếc qua những câu hỏi đã dọn sẵn.  Nhưng không hiểu tại sao tôi lại thưa với người: “Xin kể cho con nghe về cuộc đời của cha.”  Cha I-nhã nheo mắt: “Điều này thì cha trợ lý Luis Gonçalves da Câmara đã viết lại rồi mà.”  Tôi phản đối: “Con biết thế, nhưng con vẫn muốn nghe từ cha cơ!  Cha có thể kể một chút về thời niên thiếu của cha không?”  

Trở về Nội Dung

 

1- Thiếu thời (1491-1521)

Cha I-nhã lim dim đôi mắt: “Cha sinh ra ở Azpeitia miền Guipúzcoa xứ Basque trong một gia đình trung lưu thuộc dòng tộc Loyola.  Cha là con út của một gia đình khá đông anh chị em – 13 người cả thảy.  Tên cúng cơm của cha là Iñigo López.  Mẹ mất sớm, cha lớn lên dưới sự chăm sóc của bà vú Maria.  Năm 7 tuổi, lúc anh hai Martín Garcia của cha kết hôn, cha về sống với anh chị.”

Tôi hỏi dò: “Con nghe nói hồi trẻ cha cũng quậy lắm?”   

Người cười xoà: “Đúng thế.  Hồi nhỏ cha rất ham chơi và biếng học.  Tuy nhỏ con, nhưng cha hay họp bạn với bọn nhóc ở gần lâu đài Loyola, chia phe đánh trận.  Sợ cha lêu lổng không nên thân, nên năm cha được 16 tuổi, gia đình gửi cha vào học việc với công tước Juan Velázquez de Cuellar, thủ quỹ của triều đình Castile (Tây Ban Nha).  Sẵn môi trường giao tiếp với quan chức triều đình cha được học nhiều thứ: quản trị, kiếm thuật, khiêu vũ, giao tiếp, ca nhạc, văn thơ.  Nhưng cha mê nhất là đánh bạc, đấu gươm và tán tỉnh các tiểu thư.

Tính cha cũng nóng nảy và hay gây gỗ lắm.  Cha còn nhớ có lần cha và ông anh kế gây lộn với một gia đình quý tộc khác.  Tụi cha phục kích họ, làm cho mấy người bị trọng thương.  Cha phải đi trốn.  Vụ này khá rắc rối vì bên kia thưa kiện ra tòa.  Cha nại lý do cha đã chiụ “phép cắt tóc” thuộc về hàng giáo sĩ nên được miễn trừ khỏi tòa đời.  Có mấy người làm chứng rằng cha luôn mặc giáp phục, đeo dao kiếm, nào có thấy cha mặc áo chùng thâm.  Vụ này kéo dài cả tháng.  Nhưng vì thế lực gia đình của cha khá mạnh, nội vụ cũng chẳng đi đến đâu.

Thật ra có bao giờ cha muốn làm giáo sĩ đâu, cha thích võ nghệ và công danh hơn!   Chẳng qua là theo phong tục Basque, người con trai cả trong gia đình hưởng quyền thừa kế.  Những người con khác được cha mẹ thu xếp hoặc tự lo lấy.  Con gái thì dễ: về nhà chồng.  Con trai có ba đường tiến thân: triều đình, hàng hải và giáo hội. Thường người con trai út làm linh mục để hưởng giáo bổng.  Đúng ra là người anh kế cha Pédro López đã được gia đình chỉ định làm linh mục rồi, nhưng gia đình cha “bảo trợ” giáo xứ Azpeitia, nên cũng muốn cha gia nhập hàng giáo sĩ để “phòng hờ” giáo bổng khỏi lọt ra người ngoài, nếu anh Pédro chết sớm.”

Tôi hỏi: “Vậy nên cha chọn đường binh nghiệp?  Con nghe nói cha đã từng chỉ huy trận đánh với quân Pháp ở thành Pamplona tháng 5 năm 1521.”           

Người lắc đầu: “Cũng không hẳn là như thế.  Cha cũng chẳng phải là một nhà binh chuyên nghiệp.  Chỉ được cái gan lì.  Năm đó, cha đã gần 30 tuổi, cái tuổi ‘tam thập nhi lập’ ấy mà.  Cũng muốn có tí công danh để đời chứ.  Mà con đường nhanh nhất để tiến thân là chiến công.  Mấy năm trước đó cha đã đến phục vụ cho hầu tước Najéra, phó vương xứ Navarra.  Lúc đó xứ Navarra là một vương quốc độc lập, nằm trong vùng tranh chấp giữa Pháp và Tây Ban Nha.  Vì có nội loạn trong triều, nên người Pháp thừa cơ chiếm thành Pamplona, thủ phủ của Navarra.  Cha xung phong giữ thành Pamplona dù biết lực lượng quân Pháp khá mạnh – một chọi mười.  Người Pháp nã đại bác vào thành, tổn thất khá nặng.  Chỉ huy trưởng của cha định đầu hàng, nhưng cha nhất định tử thủ đến cùng.  Vì danh dự và vinh quang: sĩ khả sát, bất khả nhục.  Cha bị trúng một quả đại pháo bị thương nặng, tưởng chết luôn.

Lúc tỉnh dậy thì thấy mình đang ở nhà.  Thì ra người Pháp đã băng bó và cho người đưa cha về lâu đài Loyola.  Không hiểu tại sao họ lại không bắt cha làm tù binh.  Có lẽ vì họ thấy cha gan lì chăng hay tội nghiệp cha thì cũng không rõ.  Chỉ biết rằng lúc bấy giờ chân phải cha bị gãy lìa đang bó bột, chân trái thì bị dập xương.”

Tôi hỏi tiếp: “Vậy cha phải mất bao lâu mới đi lại được?”           

Cha I-nhã kể: “Người Pháp chỉ băng bó sơ nên vết thương làm độc và không lành.  Bác sĩ gia đình phải mổ chân ra kéo xương ống ra sắp lại.  Không có thuốc tê, đau muốn chết nhưng cha cắn răng chịu.  Lúc đó cha bị sốt cao, bác sĩ sợ cha không qua khỏi, nói người nhà chuẩn bị hậu sự.  Nhưng mà Chúa cũng thương nên chân rồi cũng lành.  Nhưng khi tháo bột thì cha buồn kinh khủng.  Mẩu xương ống quyển lòi ra khỏi đầu gối, chân phải ngắn hơn chân trái, rất khó coi.  Hồi đó trang phục của các công tử là áo phồng tay, quần chẽn để hở đầu gối, mang giày và đội mũ.  Phải là mũ đỏ, vì đó là dấu hiệu đặc biệt của dòng họ Loyola.  Lại phải cài một cái lông ngỗng trên mũ phía tay trái và đeo kiếm bên hông trái.  Cái chân kiểu đó thì làm sao mặc quần chẽn được.  Thà chết còn hơn!  Cha bắt bác sĩ phải cưa cái mẩu xương lòi ra và dùng dây và kẹp gỗ kéo cho chân phải dài ra.  Cũng không có thuốc tê.  Nhưng cha nhất định phải làm cho được.  Đúng là phù phiếm hão hề của tuổi trẻ.”

Nói rồi người vén ống quần, đưa chân cho tôi coi.  Một vết sẹo sâu hoắm dưới đầu gối.  Bây giờ tôi mới hiểu rằng tại sao người đi khập khiễng, chân thấp chân cao.

Trở về Nội Dung

 

2 – Thanh Tẩy (1521-1522)

Tôi nhìn người ái ngại:  “Chắc lúc đó cha thất vọng lắm nhỉ?  Vậy cha làm gì cho hết giờ?”           

Cha I-nhã lắc đầu:  “Chúa làm việc thật lạ lùng.  Lúc đó cha nản lắm, như thằng què nằm trên giường bệnh, không biết mình sẽ làm gì nữa.  Cha muốn đọc truyện cho khuây khoả.  Khổ nỗi trong nhà chẳng có truyện kiếm hiệp hay truyện phiêu lưu tình cảm, mấy thứ sách mà cha ưa chuộng.  Bà chị dâu Magdalena đạo đức của cha – người mà cha coi như người mẹ thứ hai – đưa cho cha quyển Truyện Các Thánh và Cuộc Đời Chúa Cứu Thế.  Lúc đầu cha không muốn đọc mấy thứ sách khô khan đó, nhưng chán không có gì đọc thành ra lâu lâu mở vài trang xem cho đỡ buồn.  Đọc đi đọc lại, đôi khi cha cũng cảm thấy thích thú.

Phòng cha ở có một cửa sổ nhìn ra vườn.  Cha hay ngồi hàng giờ ngắm trời ngắm đất rồi để trí tưởng tượng của mình phiêu lưu.  Có khi cha mơ màng suốt ba bốn tiếng đồng hồ liền mà không hay.  Cha tưởng tượng đến những công việc mà cha sẽ làm để lấy lòng một công nương, rồi cách thức để đi đến nơi nàng ở, những bài thơ và những lời lẽ cha sẽ nói với nàng, và cả những chiến công hiển hách để dâng tặng nàng.

Có lúc cha cũng suy nghĩ về những điều cha đã đọc.  Cha thấy các thánh hay quá.  Thỉnh thoảng cha cũng tự hỏi mình.  Giá mà cha cũng làm được những việc như thánh Phanxicô hay thánh Đa-Minh đã làm.  Cha thấy những việc lành ấy cũng không thấy khó khăn gì lắm.  Mỗi lần như thế, cha lại tự nhủ: ‘Các thánh đã làm việc này thì mình cũng phải làm được.’

Từ từ cha thấy có những phản ứng khác nhau trong tâm hồn.  Lúc nghĩ đến chuyện đời, cha cảm thấy rất thích thú, nhưng khi hết nghĩ đến thì lại thấy khô khan và trống rỗng.  Trái lại lúc nghĩ đến làm các việc đạo đức và khổ hạnh như các thánh đã làm thì lại thấy phấn khởi.  Không những trong lúc nghĩ đến điều đó, mà cả mãi về sau, cha vẫn cảm thấy vui và hài ḷòng.  Hồi đó cha không biết tại sao, chỉ lấy làm lạ về các phản ứng khác nhau đó.  Sau này cha mới khám phá ra có hai thứ ảnh hưởng trên tâm hồn: một thứ do ma quỉ bày ra, còn một thứ khác do Thiên Chúa soi sáng.

Trong chín tháng dưỡng thương đó, cha bắt đầu ý thức rằng Chúa đã cho cha một cơ hội mới và cha cần phải ăn năn hối cải.  Một đêm kia không ngủ, cha thấy rõ ràng hình ảnh Đức Mẹ cùng với Chúa Giêsu Hài Đồng.  Khi thấy như vậy, cha cảm thấy rất hứng khởi một lúc khá lâu và ghê tởm tất cả cuộc sống quá khứ, đặc biệt là những chuyện xác thịt.  Cha quyết định rằng khi nào khoẻ mạnh lại, cha sẽ đi Giêrusalem đồng thời tự đánh tội và nhịn ăn với tất cả lòng sốt mến.  Nhờ ước muốn thánh thiện này, các chuyện phù phiếm kia dần dần bị quên lãng.  Cha từ từ thấy việc đọc sách thiêng liêng có ích lợi.  Cha lấy một cuốn vở nhỏ và chép một số đoạn chính trong đời sống của Chúa và các thánh mà cha đã đọc.  Lúc đó suốt ngày cha chỉ lo chép sách và cầu nguyện và mong chóng được bình phục để đi Giêrusalem.  Cha còn dự tính thêm sau khi đi Giêrusalem về, cha sẽ sống khắc khổ tại một đan viện khổ tu.

Khi nghi là cha ‘sắp có thay đổi lớn’, ông anh Martin tìm cách thuyết phục cha: ‘Mọi sự nơi em đều tuyệt, từ tinh thần, phán đoán, đến lòng can đảm và tinh thần cao thượng… Em được vua chúa sủng ái, dân chúng quý mến, có võ nghệ cao cường, lại khôn ngoan… Bao nhiêu hy vọng đẹp đẽ và chắc chắn trong lúc em còn trẻ và tương lai còn dài. Em tính xóa sạch sao?  Em nỡ phụ lòng bạn hữu sao?  Em đã khởi động rất tốt, hứa hẹn sẽ cho gia đình được rạng rỡ, em tính phủi tay hết sao?  Anh hơn em về tuổi, nhưng em hơn anh về tài.  Anh xin em suy nghĩ kỹ về điều em đang dự tính: coi chừng chẳng những em làm cho gia đình mất vinh quang đáng được hưởng mà còn làm cho gia đình phải tủi hổ nữa.’  Cha ừ ào cho xong, nhưng vẫn không đổi ý định.

Muà xuân năm sau (1522), thấy tạm khoẻ lại và có thể lên đường, cha nói với gia đình sẽ dự tính đi thăm một vị công tước ở Navarete, người còn thiếu nợ gia đình cha một số tiền.  Xong việc, cha cưỡi la rời Navarete hướng về Montserat là nơi hành hương khá nổi tiếng ở vùng ấy.

Trên đường có một chuyện làm cha nhớ mãi.  Dù đã cố gắng ăn năn hoán cải, nhưng tính háo thắng của cha vẫn còn.  Cha gặp một người Môrô (Tây Ban Nha theo đạo Hồi) và hai người nói với nhau chuyện này sang chuyện khác.  Cuối cùng chúng tôi nói với nhau về Đức Mẹ.  Người kia không tin là Đức Mẹ vẫn còn đồng trinh khi sinh con, mặc dù cha đã đưa ra nhiều lý lẽ để thuyết phục.  Cuộc cãi vã bắt đầu to tiếng và người ấy bỏ đi.  Khi người ấy đi rồi, cha bắt đầu thấy bất bất mãn với chính mình, vì cho rằng cha đã không làm đủ bổn phận, đồng thời cảm thấy nổi giận vì đáng lý cha không thể để một người ngoại đạo nói những điều chướng tai về Ðức Mẹ như thế.  Cha tính chạy theo người Môrô cầm dao găm đâm hắn mấy cái.  Cha phải ‘bảo vệ danh dự’ của Đức Mẹ chứ!  Nhưng cha do dự một lúc lâu, không biết bổn phận đòi hỏi mình nên làm gì. Tới ngã ba, cha thả cương con la để nó đi tự do: nếu con la quặt vào đường làng, cha sẽ kiếm người Môrô và sẽ đâm hắn, còn nếu nó tiếp tục đi trên con đường chính, thì cha sẽ bỏ qua.  Nhưng Chúa đã khiến con lừa bỏ con đường làng, và tiếp tục đi vào con đường chính.  Lúc đó cha mới hối hận, tại sao chỉ vì tính háo thắng và cha suýt giết người.

Tới tu viện của các cha Biển Đức ở Montserat, sau khi cầu nguyện, và bàn hỏi với một cha linh hướng, trong ba ngày cha viết ra mọi tội lỗi trên một tờ giấy rồi xưng tội. Cha giữ lại con la, còn cái gươm và con dao găm thì cha treo trên bàn thờ Ðức Mẹ. Vào buổi tối vọng lễ Ðức Mẹ Truyền Tin (25-3), cha thay đổi quần áo với một người nghèo, mặc áo thô như đã ước ao, trở về nhà thờ gậy cầm trên tay, khi quì, khi đứng mà canh thức suốt đêm trước bàn thờ Ðức Mẹ.

Sau đó cha dự định xuống Barcelona để đáp tàu đi hành hương đất thánh.”

Trở về Nội Dung

 

3 – Cảm nghiệm ở Manresa (1522-1523)

Tôi ngắt lời: “Nhưng trên đường đi Barcelona, hình như cha còn ghé Manresa khá lâu.  Cha dự định làm gì ở đó?” 

Cha I-nhã trầm ngâm: “Thật ra, lúc đầu để tránh người quen, cha ghé Manresa, định ở lại đó vài ngày để nghỉ ngơi chuẩn bị cho cuộc hành trình dài đi Đất Thánh.  Nhưng cuối cùng thì cha đã sống ở đó gần 10 tháng.  Cha dọn vào một cái hang gần bờ sông Cardoner, ngày ngày đi khất thực, ăn chay và sống khổ hạnh.  Lúc này cha không còn để ý đến sắc diện bề ngoài nữa: ăn mặc sơ sài, để tóc mọc lên tự nhiên, không cắt không chải; móng tay và móng chân cũng vậy.  Cha ăn uống thất thường, ngủ nghỉ không đủ, lại làm việc không ngừng, nên cha ngã bệnh nặng hai lần, lần trước vào mùa hè, lần sau vào mùa đông.  Tưởng chừng đã không qua khỏi.

Lúc đầu cha thấy việc khổ chế và hãm mình đem lại cho cha phấn chấn, nhưng lần hồi cha thấy chán nản và tuyệt vọng.  Hình như có ai nói trong thâm tâm: ‘Làm sao anh có thể chịu đựng một cuộc đời cực khổ như thế này suốt những năm còn lại trong đời anh?’  Biết rằng đó là sự cám dỗ cha cương quyết chống trả, và quyết tâm khổ chế hơn nữa.  Có nhiều lúc cha cảm thấy bối rối khủng khiếp vì những tội lỗi cha đã phạm.  Dù đã ăn năn và xưng thú nhiều lần nhưng cha vẫn không thấy an tâm.  Mặc dù biết rằng lòng bối rối gây hại cho mình, và nên vượt qua tình trạng đó, cha cũng không làm sao thoát khỏi.  Hồi đó mỗi ngày cha quỳ gối cầu nguyện suốt bảy tiếng đồng hồ, ăn chay đánh tội.  Tuy nhiên, những việc đó không giải quyết được lòng bối rối đă gây khổ sở cho cha trong nhiều tháng.  Có lần cha đã nhịn ăn cả tuần để xin ơn thoát khỏi tình trạng này.  Nhưng có bình an được mấy bữa rồi cha lại nhớ đến các tội cũ và cảm thấy phải xưng tội đó lại một lần nữa.  Cha cảm thấy chán ngấy đời sống khắc khổ và ao ước dứt khoát bỏ cuộc luôn.

Một hôm quá khổ tâm, cha rên rỉ lớn tiếng cầu cùng Thiên Chúa:  ‘Lạy Chúa, xin Chúa cứu thoát con vì con không tìm thấy giải pháp nhờ loài người hay bất cứ cái gì khác. Nếu hy vọng tìm được, con sẵn sàng chịu mọi cực khổ không tiếc.  Xin Chúa chỉ cho con tìm ra giải pháp, dù phải chạy theo một con chó con để nó giúp con tìm thấy, con cũng sẵn sàng chạy!’ Nhiều lần cha bị cám dỗ kịch liệt muốn tự tử, nhưng biết việc tự tử là tội, cha lại kêu lớn tiếng rằng: ‘Lạy Chúa, con không muốn làm điều gì mất lòng Chúa.’  Nhưng lúc đó, Chúa thương giúp cha tỉnh trí khỏi ác mộng.  Nhờ Chúa đã dậy vài bài học và cho thu lượm kinh nghiệm về cách thức nhận định các thần loại khác nhau, cha bắt đầu phân tích các tư tưởng vừa qua từ đâu mà đến, và cuối cùng dứt khoát không còn xưng tội cũ nữa.  Từ ngày hôm đó, cha thoát được cơn bối rối và xác tín rằng chính lòng thương xót của Chúa đã cứu thoát cha.

Ngoài việc cầu nguyện suốt bảy tiếng đồng hồ mỗi ngày, cha đi thăm những người bệnh và nói chuyện về đời sống thiêng liêng. Thời giờ còn lại trong ngày, cha nghĩ đến Thiên Chúa và nhớ lại những điều đã suy gẫm hoặc đọc trong sách.  Đôi lúc cha ghi chép lại một số ý tưởng vào cuốn sổ tay cha đã mang theo từ Loyola.  Cuốn sổ tay này giúp cha khá nhiều.

Hồi đó Chúa đối xử với cha như thày giáo dạy học trò.  Trong thời gian này, Chúa đã cho cha nhiều thị kiến về Thiên Chúa Ba Ngôi, sự sáng tạo, sự hiện diện của Đức Kitô trong thánh thể, và Đức Mẹ. Tuy nhiên cha cũng không biết cách giải thích những điều đó, và không nhớ rõ được những hiểu biết thiêng liêng mà Chúa đã in vào tâm hồn cha.  Đặc biệt có một hôm cha đi đến một nhà thờ cách Manresa chừng một dặm để cầu nguyện.  Trên con đường song song với một con sông, cha vừa đi vừa đọc kinh, rồi lại ngồi xuống, mắt hướng về dòng nước chảy dưới thung lũng.  Ðang khi ngồi tại đó, mắt tâm hồn cha dần dần mở ra.  Mặc dù không có một thị kiến cha đã am tường nhiều điều.  Cha cảm thấy có dưới một luồng sáng rực rỡ soi vào tâm hồn khiến mọi điều trở nên mới mẻ.   Cha không nhớ rõ chi tiết, nhưng tính chung, tất cả những gì Chúa ban và những điều cha học hỏi suốt cả cuộc đời cũng không bằng những điều cha đã lĩnh hội qua các cảm nghiệm tại Manresa.”

Tôi hỏi: “Con nghe nói sách Linh Thao được cha sáng tác trong giai đoạn này?” 

Cha I-nhã trả lời: “Không hẳn là như thế.  Cha bắt đầu ghi lại những cảm nghiệm thiêng liêng và chép Lời Chúa từ những ngày còn dưỡng thương ở Loyola.  Khi ở Manresa, cha chép thêm những kinh nghiệm mới được rút tỉa trong những giờ cầu nguyện và khi trò chuyện thiêng liêng với những người cha gặp khi đi thăm viếng các bệnh nhân, đặc biệt là những kinh nghiệm phân biệt thần loại.  Cha ghi lại những điều này vì cha ao ước giúp người khác gặp gỡ Chúa và được Người thanh tẩy như Người đã làm với cha.  Cuốn sổ tay của cha sau này được bổ sung thêm, và sắp xếp lại cho mạch lạc khi cha đi học ở Paris.”

Trở về Nội Dung

 

4 – Hành Hương và Trở Về Đi Học (1523-1524)

Tôi ngạc nhiên: “Đi học ở Paris? Chẳng phải cha đã muốn ở lại Đất Thánh sao?  Chuyện gì đã xảy ra?” 

Cha I-nhã cười:  “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.  Ý con người sao qua khỏi ý Trời.  Khi khoẻ lại một chút, đầu năm sau (1523) cha lên đường đi tới Barcelona.  Đây là thời gian thuận tiện để đáp tàu từ Barcelona sang Ý, xin phép Đức Thánh Cha tại Roma, rồi phải đến Venezia vào mùa hè để đáp tàu hành hương đi Giêrusalem.  Mặc dù một số người đã tình nguyện đi với cha cho có bạn, nhưng cha quyết định đi một mình vì cha muốn thử tập ba nhân đức tin, cậy và mến.  Nếu có bạn đồng hành, khi đói sẽ nhờ người đó giúp đỡ, lúc ngã sẽ nhờ người đó nâng lên.  Và như thế, cha sẽ tin cậy và thương mến người đó, trong khi cha chỉ muốn tin cậy và yêu mến vào một mình Chúa mà thôi.  Qua nhiều thử thách cha cũng đến được Đất Thánh.

Sau khi thăm viếng một vài di tích thánh, cha tính ở lại Giêrusalem để giúp đỡ các linh hồn.  Cha đã đem theo sẵn vài lá thư giới thiệu với các cha bề trên dòng Phanxicô là quản thủ các di tích ở thánh địa.  Nhưng các cha ở đó không muốn cha ở lại vì sợ gánh nặng.  Cha nhất định không làm phiền họ, nhưng nại lý do an ninh, các cha Phanxicô yêu cầu cha chuẩn bị lên tàu đi về với nhóm hành hương.  Cha trả lời rằng cha đã quyết chí rồi và sẽ không thay đổi ý kiến vì bất cứ lý do gì.  Nghe vậy, cha giám tỉnh dòng Phanxicô cho biết người được quyền toà thánh ra lệnh trục xuất và rút phép thông công những ai không vâng lời.  Biết rằng không thể được, cha đành phải vâng lời.

Trên tàu về Venezia, sau khi thấy rõ ý Chúa không muốn cho cha ở lại Giêrusalem, cha luôn luôn cầm trí suy nghĩ phải làm gì bây giờ, và cha thấy hướng về việc đi học một thời gian để “giúp đỡ các linh hồn.”

Tôi hỏi dò: “Lúc đó chắc cha thất vọng lắm nhỉ?” 

Cha I-nhã trầm ngâm: “Thật sự lúc đầu cha cũng cảm thấy bị hụt hẫng.  Trước khi đi Giêrusalem, cha lưỡng lự chưa biết sau đó khi hành hương nên vào một tu viện hay sống như một ẩn sĩ.  Nhưng từ lúc trở về, cha bỏ cả hai ý định ấy, và dứt khoát hiến thân cho việc tông đồ. Lúc ở Manresa, cha cảm thấy được thôi thúc “giúp đỡ các linh hồn.”  Nhưng giúp như thế nào, thì cha cũng không rõ, bấy giờ thì thấy đi học thì có thể trang bị thêm kiến thức để giúp các linh hồn nhiều hơn.

Thế là cha quyết định trở về Barcelona để đi học lại.  Trước hết phải bắt đầu học lại La tinh, thứ ngôn ngữ của dân có học.  Cha trình bày ý muốn đi học với mấy người quen và một thày giáo tiểu học.  Họ đều ủng hộ cha.  Thầy giáo Ardevol tình nguyện dạy không công cho cha, còn cô Isabel tình nguyện kiếm phương tiện sống cho cha.

Ba mươi mấy tuổi đầu ngồi ê a chia động từ La tinh như các cậu học trò nhỏ, không phải là chuyện dễ dàng.  Đôi lúc cha cảm thấy đi phục vụ người nghèo dễ hơn.  Nhưng điều quan trọng là tìm ý của Chúa chứ không chiều theo sở thích của mình.  Trong hai năm cha cố gắng học rất chăm chỉ. Tuy nhiên, có một vấn đề gây khó khăn cho cha: mỗi lần cha bắt đầu cố gắng học thuộc lòng một bài nào, thì lại có những tư tưởng mới về đời sống thiêng liêng và những tư tưởng này làm cho cha thích thú đến độ không thể nào học thuộc bài được. Cha cố gắng xua đuổi tư tưởng đó mà không được.  Dần dần cha hiểu rằng đó là do ma quỷ cám dỗ.  Sau khi cầu nguyện, cha đến gặp thầy giáo và trình bày với thầy kinh nghiệm nội tâm của cha với đầy đủ chi tiết và giải thích lý do tại sao cha rất chậm tiến trong việc học hành. Rồi cha hứa với thầy giáo sẽ không bao giờ bỏ học với thầy.  Sau khi cương quyết hứa như vậy, cha không bao giờ còn bị cám dỗ nữa.

Học xong hai năm, thầy giáo nói bây giờ cha có thể theo lớp trung học được và nên đi học tại Alcalá.  Lúc đó, cha thấy học được gì thì học ngay.   Cha học một lúc luận lý học, vạn vật học, và thần học đại cương, toàn những môn khó.  Cha chưa có chương trình lâu dài để học đến nơi đến chốn, mà chỉ muốn học tắt một số điều để có thể dạy giáo lý và hướng dẫn linh thao.”

Tôi hỏi: “Vậy là cha đã bắt đầu hướng dẫn linh thao từ Alcalá.  Chưa học triết học và thần học, cha có gặp rắc rối nào với giáo quyền không?” 

Người gật đầu:  “Đúng thế, ở tại Alcalá, qua việc hướng dẫn linh thao và dạy giáo lý, cha gặt được nhiều hoa trái thiêng liêng và Danh Chúa vì thế được cả sáng.  Có nhiều người tiến khá xa trong đời sống thiêng liêng và trở nên sốt sắng.  Nhiều người khác lại bị thử thách, mỗi người mỗi khác.  Thiên hạ khắp vùng đồn đãi rất nhiều về cha.  Những tiếng đồn đó đến tai Toà Án Tôn Giáo tại Tolédo.  Khi các thanh tra đến tới Alcalá điều tra, vì không tìm được gì sai lầm trong giáo lý và lối sống, nên cha và các bạn sinh viên được phép tiếp tục làm việc không ai làm khó dễ. Tuy nhiên vì không phải là tu sĩ nên không ai được mặc đồng phục.  Bốn tháng sau lại họ mở cuộc điều tra. Tuy nhiên lần đó họ không làm khó dễ nhóm của cha, không đòi ra toà và không nói năng gì cả sau khi vụ án chấm dứt.  Mấy tháng sau, cha lại bị tống giam vì có hai mẹ con thuộc hàng quý tộc đã âm thầm đi hành hương và xin ăn trên đường.  Việc này đã gây xôn xao ở Alcalá.  Người ta cho rằng cha đã thổi cho họ ý tưởng đó, nên cho bắt cha.  Sau đó hơn một tháng thì, hai phụ nữ trở về, viên kiểm sát tới nhà giam đọc bản án rằng: ‘Không được giảng dạy đức tin cho đến khi học hành đủ trong thời gian bốn năm, vì xét thấy chưa đủ kiến thức.’ Bản án khiến cha phân vân không biết phải làm gì.  Người ta vô cớ ngăn cản không cho cha giúp các linh hồn chỉ vì chưa học hành đầy đủ.

Cha và nhóm bạn quyết định đi Salamanca để tiếp tục theo đuổi việc học.  Tại Salamanca, cha đã nhờ một linh mục Dòng Ða-Minh ở tu viện San Esteban làm linh hướng.  Mới ở được hai tuần, cha và một bạn sinh viên được mời đến dùng cơm trưa tại tu viện.  Dùng cơm xong, cha tu viện phó hỏi han cha về những điều cha giảng dạy.  Cha thưa:  ‘Có khi chúng con nói về nhân đức này hoặc nhân đức khác và khuyến khích người ta theo; có khi lại nói về các thói xấu khác nhau và lên án.’ Cha tu viện phó hỏi tiếp:  ‘Các anh không có học, mà lại nói về các nhân đức và các thói xấu à. Người ta chỉ có thể nói về các đề tài đó hoặc vì đã học hoặc vì Chúa Thánh Thần soi sáng. Nhưng các anh không có học nên chỉ nói vì có Chúa Thánh Thần soi sáng. Vậy chúng tôi muốn biết Chúa Thánh Thần đã soi sáng những gì?’ Nghe vậy, cha bắt đầu dè dặt vì nhận thấy cách lý luận đó có gì không ổn.  Im lặng một lúc, cha nói với họ cha không muốn bàn thêm về vấn đề đó nữa.  Thấy rằng không thể bắt cha nói thêm điều gì, cha tu viện phó kết luận: ‘Ðược, đã vậy thì cứ việc ở lại đây. Chúng tôi sẽ tìm cách bắt các anh khai hết.’

Ba ngày sau, cha và người bạn bị đưa đến nhà giam.  Cả hai bị nhốt riêng và bị xiềng chung bằng một cái xích, mỗi người bị buộc một chân, và cái xích bị buộc quanh cái cột ở giữa phòng.  Các bạn của cha cũng bị bắt.  Họ tra vấn cha về linh thao, và cha đưa cho họ tất cả tập vở để họ xem xét.  Vài ngày sau, cha bị điệu đến trước mặt bốn thẩm phán.  Cả bốn người xem xét bản Linh Thao và dò hỏi nhiều câu, không những về Linh Thao mà còn cả về những vấn đề thần học nữa. Thí dụ về Thiên Chúa Ba Ngôi và về phép Thánh Thể, để xem cha hiểu biết như thế nào.  Cha trả lời rành mạch mọi điều đến độ các thẩm phán không thấy có điều chi đáng trách.  Họ muốn biết làm sao cha cắt nghĩa lúc nào một hành vi xấu bị coi là tội trọng hay tội nhẹ. Sau ba tuần, họ ra phán quyết như sau:  Trong lối sống cũng như trong giáo lý của nhóm cha, các thẩm phán không tìm thấy lỗi lầm nào. Vậy nhóm cha được tiếp tục dạy giáo lý và nói về Chúa như trước, với điều kiện là không bao giờ được quả quyết: ‘Ðây là tội trọng, đây là tội nhẹ’ cho tới khi học xong bốn năm thần học.

Ngay lúc rời khỏi nhà giam, cha bắt đầu suy nghĩ và cầu xin Chúa chỉ cách giải quyết vấn đề.  Ở lại Salamanca thì cha sẽ gặp khó khăn: muốn giúp đỡ các linh hồn thì gặp trở ngại vì lệnh không cho quyết định đâu là tội trọng đâu là tội nhẹ.  Do đó cha quyết định đi Paris học.  Ở Salamanca và Barcelona, nhiều người người quen tìm cách thuyết phục cha đừng đi sang Pháp vì chiến tranh đang diễn ra tại đó.  Nhưng cha không hề cảm thấy sợ sệt.”

Trở về Nội Dung

 

5 – Paris và nhóm thân hữu (1528-1535)

Tôi hỏi tiếp:  “Thế là cha đi Paris. Cha bắt đầu có ý lập cộng đoàn từ lúc nào?”           

Cha I-nhã trả lời: “Hồi ở Barcelona, khi suy xét có nên học hành và học trong thời gian bao lâu, cha cũng nghĩ đến vấn đề là sau khi học xong, cha nên đi tu hay đi khắp thiên hạ?  Lúc suy tư về đời tu, cha thường nghĩ đến một dòng nào suy đồi, chưa cải tổ để được gặp nhiều thử thách.  Cha nhất mực tin rằng Chúa cũng sẽ cho cha đủ nghị lực để chịu đựng mọi sỉ nhục và xúc phạm sẽ gặp phải.  Suốt thời gian tại Salamanca, cha vẫn ao ước giúp đỡ các linh hồn. Và để làm việc đó, cha phải để tâm vào việc học hành đầy đủ hơn, đồng thời qui tụ thêm một số bạn bè cùng chí hướng.

Cha đến Paris và đi học tại trường Montague để học lại chương trình trung học, vì hồi trước cha đã học quá vội, thiếu căn bản.  Cha học chung với trẻ em theo phương pháp và chương trình áp dụng tại Paris.  Nửa năm sau, hết tiền cha phải ăn xin và rời nhà trọ.  Vừa đi ăn xin, vừa đi học, cha chẳng tiến bộ được trong việc học hành.  Khi bắt đầu đi học, cha lại bị thử thách như khi còn học tiểu học tại Barcelona.  Mỗi lần nghe giảng bài cha không thể tập trung được vì bị lo ra bởi các tư tưởng đạo đức.  Biết học như thế không có lợi ích bao nhiêu, cha tới gặp giáo sư và hứa sẽ không bao giờ bỏ một giờ học nào bao lâu còn kiếm được bánh mì ăn và nước uống đủ sống. Thấy cần phải có điều kiện tốt hơn, cha cố gắng hết sức đi tìm việc làm, chạy vạy nhờ vả khắp nơi.  Sau cùng, vì không tìm được việc gì, một tu sĩ góp ý kiến cho cha là mỗi năm đi tới xứ Flandres, ở lại đó hai tháng hoặc ít hơn, để quyên tiền sống suốt niên học.  Sau khi cầu nguyện, cha thấy giải pháp này hay.  Cha đi và mỗi năm đem về được một số tiền đủ để sống thanh bần.  Có năm cha đi sang Luân đôn và đem về được một số tiền kha khá.

Có đời sống tương đối ổn định, cha lại tiếp tục các cuộc đối thoại thiêng liêng hăng hái hơn trước.  Ðồng thời hướng dẫn linh thao cho các người bạn sinh viên ở trường Saint Barbe.  Về những người bạn ở Salamanca, cha cũng đã cố gắng tìm cách để đưa họ sang Paris, nhưng cuối cùng việc cũng không thành.  Lúc đó cha có ý duy trì nhóm người đã quyết tâm phụng vụ Thiên Chúa, nhưng không muốn tìm thêm người để tiện việc học hành.  Cha không hề kêu gọi lập một nhóm rồi mời người này người kia gia nhập.  Cha kết thân với từng người riêng rẽ và tiếp tục đều đặn gặp gỡ riêng từng người.  Mỗi sáng Chúa Nhật, cha và các bạn dự lễ chung.  Sau đó thì gặp gỡ chia sẻ.  Dần dần, có người bỏ, có người giữ.  Khoảng đầu năm 1534, cha và 6 người bạn cùng chí hướng liên kết với nhau thành một nhóm “bạn trong Chúa”: Phêrô Favre, Phanxicô Javier, Diego Laínez, Alfonso Salmerón, Nicholas Bobadilla, và Simão Rodrigues.”

Tôi hỏi người:  “Làm sao cha kết thân với họ?” 

Cha I-nhã trả lời: “Mỗi người Chúa gửi đến cho cha trong những hoàn cảnh khác nhau.  Năm 1529 cha đến ở trọ với hai bạn trẻ là Phêrô Favre và Phanxicô Javier, và hay nói chuyện thiêng liêng với họ.  Favre gốc nông dân ở Savoie nên đơn sơ và dễ mến.  Anh ta dạy kèm cho cha môn triết học.  Nhưng anh ta hay bị bệnh bối rối lương tâm, lần hồi cha từ từ giúp cho anh tìm được bình an.  Javier con nhà quý tộc lại giỏi nên cũng không thích tiếp cận với một anh sinh viên vừa già, tàn tật, lại hay bệnh hoạn.  Mấy năm sau, qua linh thao cha thuyết phục được hai bạn này quyết tâm phục vụ Thiên Chúa.  Trong các anh em đã làm linh thao, Javier cứng đầu nhất, nhưng khi đã mở lòng thì cũng là người nhiệt thành nhất.”

Tôi ngắt lời: “Con nghe nói lúc đầu Phanxicô Javier có nhiều thành kiến với cha.  Làm sao cha chinh phục được anh ta?” 

Cha I-nhã gật gù: “Thật ra cũng không trách anh ta được.  Dòng họ Loyola đã từng đem quân chiếm Navarra cho triều đình Castile, còn dòng họ Javier thì là quý tộc của Navarra.  Trong trận đánh ở Pamplona, dòng họ Javier đứng về phe người Pháp.  Người anh trai và mấy anh em họ của Phanxicô đã từng chạm trán với cha trong cuộc chiến.  Mấy tháng sau, quân Tây Ban Nha phản công, và gia đình Javier bị thất sủng ở Navarra.  Làm sao anh ta có cảm tình với cha được?

Thêm nữa, Phanxicô nuôi mộng công hầu khanh tướng.  Giao du với anh sinh viên già này thì có ích lợi gì.

Sau khi tốt nghiệp bằng thạc sĩ, Phanxicô được bổ nhiệm làm phụ giảng ở đại học Beauvais, lại thêm cái mác quý tộc, nên phải chi tiêu nhiều.  Lương lậu không đủ nên đôi lúc túng thiếu, cha lại ngầm giúp đỡ.  Cha cũng hay nhắc nhở Phanxicô phải cẩn thận trong vấn đề giao du kẻo gặp những người “bề ngoài đạo đức trong lòng tà tâm” lường gạt.  Có lẽ vì cảm động trước chân tình của cha, hay bị mấy vố với các đồng nghiệp ở đại học, nên từ từ anh ta mở lòng.

Tôi hỏi tiếp:  “Còn những người khác, cha gặp họ trong hoàn cảnh nào?” 

Người trả lời:  “Năm 1533, sau khi cha tốt nghiệp triết học và có thể đi dạy kèm thì gặp hai bạn trẻ đến từ Acalá: Diego Laínez quê ở Almazán và Alfonso Salmerón quê ở Toledo.  Mấy người này có lẽ đã nghe biết về cha ở Acalá nên làm quen không khó khăn gì.  Laínez rất thông minh, còn Salmerón thì vui tươi hoạt bát, hai người là một cặp bài trùng. Mùa thu năm đó, Nicolás de Bobadilla quê ở Palencia lên Paris học.  Vì không bà con thân nhân, cha giúp anh ta kiếm được một chân dậy kèm để đủ tiền ăn học.  Rồi anh ta cũng đi họp nhóm vào Chủ Nhật.  Bobadilla tính tình bộc trực hay thích tranh cãi nên có nhiều người không ưa.  Còn Simão Rodrigues người Bồ Đào Nha thì đã lên Paris từ lâu, nhưng mãi về sau mới ghé vào nhóm. Anh chàng này thì im ỉm, nhưng cũng cứng đầu ra phết.

Lần lượt cha hướng dẫn từng người tập linh thao, khởi đầu là Phêrô Favre vào đầu năm 1534.  Còn Phanxicô Javier thì mãi đến cuối cùng mới chịu làm linh thao vào tháng 9.  Kết quả tất cả đều muốn theo Đức Kitô trong thanh bần và tận hiến để phục vụ tha nhân.  Trong những ngày được nghỉ học, nhóm trao đổi với nhau về Hội Thánh, về tương lai.  Dần dần một dự tính chung thành hình: tất cả sẽ làm linh mục và đi hành hương Giêrusalem.  Nhóm dự định sau khi các anh em hoàn tất việc học khoảng 3 năm sau (1537) sẽ cùng nhau đi Venezia và từ đó sẽ đến Giêrusalem, để làm việc ở Đất Thánh.  Nếu không đi được Giêrusalem nhóm sẽ chờ đợi một năm, rồi sẽ trở về Roma trình diện vị đại diện Chúa Kitô để Người sai chúng tôi làm việc những nơi Người nhận thấy Thiên Chúa sẽ được vinh quang hơn và các linh hồn được lợi ích hơn.

Quyết tâm và dự tính ấy được diễn tả qua lời cam kết tại Montmartre lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, ngày 15 tháng 8.  Lúc đó nhóm chỉ mới có Favre là linh mục.  Nhóm “bạn trong Chúa”của cha có 7 người, kể cả cha, cam kết sống đơn sơ khó nghèo, khiết tịnh và đi hành hương Đất Thánh.  Năm đó (1534) cha được 43 tuổi, Favre và Javier 28, Bobadilla 25, Rodrigues 24, Laínez 22, và Salmerón mới 19 tuổi.   Mấy người bạn của cha, mỗi người một cá tính, thế nhưng tất cả đều có lòng nhiệt thành, hăng hái.”

Tôi hỏi tiếp:  “Sau đó thì sao?  Nhóm có thực hiện được ao ước của mình không?”   

Cha I-nhã kể tiếp:  “Hồi ở Paris, cha bị đau dạ dày trở lại.  Cứ mười lăm ngày cha lại đau và kéo dài suốt hơn một tiếng.  Có lần cha đau suốt mười sáu, mười bảy tiếng.  Bệnh tình trở nên càng ngày càng trầm trọng, không tìm được cách nào chữa trị, mặc dù đã thử nhiều cách.  Các y sĩ nói rằng chỉ có khí hậu ở quê nhà mới có thể giúp cha khỏi bệnh.  Các bạn cũng bảo như thế và khuyên cha về quê.  Cuối cùng cha chiều ý các bạn.  Vì có một số bạn gốc Tây Ban Nha cần giải quyết một số vấn đề gia đình nên cha tình nguyện về quê lo giùm và hẹn gặp các bạn ở Venezia để cùng đi Giêrusalem.  Cha rời Paris năm 1535, một mình cỡi ngựa về Tây Ban Nha.  Lo xong việc, cha tìm đường lên Venezia họp mặt với nhóm.  Đến Venezia, cha lo học cho xong thần học.

Sau khi cha rời Paris, Phêrô Favre làm trưởng nhóm.  Các bạn vẫn tiếp tục gặp thường xuyên và mỗi năm lập lại lời cam kết.  Lúc này nhóm có thêm ba người mới, tất cả là người Pháp.  Favre đã giúp họ làm linh thao và đưa họ vào nhóm: có hai linh mục là Claude Jay 30 tuổi người cùng quê Savoie và Paschase Bröet 35 tuổi quê ở Picardy.  Ngoài ra còn một chủng sinh quê ở Provence tên là Jean Codure 28 tuổi.

Vì có chiến tranh giữa Pháp và Tây Ban Nha, nên các bạn phải bắt đầu đi sớm hơn dự định.  Các bạn rời Paris, chia làm hai nhóm nhỏ về Venezia.  Để an toàn, khi đi qua vùng người Pháp thì các bạn nói tiếng Pháp sẽ trả lời dùm cho nhóm nếu có ai hỏi nhóm đi đâu, và khi qua vùng Tây Ban Nha kiểm soát thì những anh em nói tiếng Tây Ban Nha sẽ dẫn đường.  Nhờ vậy nên họ đến Venezia bình an vô sự.

Chúng tôi đã gặp lại nhau tại Venezia vào đầu năm 1537 và chia nhau giúp việc tại các nhà thương trong khi chờ đợi tàu đi Đất Thánh.  Hai tháng sau cha gửi các anh em lên đường đi Roma xin phép lành của Ðức Thánh Cha để đi Giêrusalem.  Sau khi trở về, ai chưa làm linh mục thì được chịu chức thánh.  Lễ thánh Gioan Tẩy Giả, ngày 24 tháng 7, cha được chịu chức linh mục cùng với Javier, Rodrigues, Bobadilla và Codure (Salmerón chưa đủ tuổi nên chịu chức sau). Mùa thu năm đó các bạn lần lượt dâng lễ mở tay.  Còn cha thì cha đợi.”

Trở về Nội Dung

 

 

 

Trở về Nội Dung

 

6 – Những năm cuối tại Roma (1541-1556)

 Tôi hỏi tiếp:  “Các người bạn tiên khởi của cha có giúp cha điều hành hội dòng không?”   

Người nhắm mắt một lúc rồi nói:  “Khi dòng chưa chính thức được thành lập thì nhóm của cha đã từ từ mỗi người nhận một sứ vụ riêng.  Javier đi truyền giáo miền viễn đông và cha cũng chẳng còn gặp được anh ta nữa.  Rodrigues đi Bồ Đào Nha.  Favre đi sang Đức rồi Tây Ban Nha.  Lúc hội dòng được chính thức thành lập, rồi bầu bề trên, và khấn dòng cũng chỉ còn 6 anh em trong nhóm bạn tiên khởi.  Mấy người ở xa phải khấn riêng.  Lần hồi vì công việc tông đồ, những người khác cũng lần lượt rời Roma, mỗi người một ngả.  Cộng đoàn của cha là cộng đoàn lưu động như các tông đồ thưở xưa.  Bây giờ còn một mình cha ngồi đây gần 15 năm nay lo điều hành hội dòng, viết và trả lời các thư từ cũng như báo cáo của anh em khắp nơi gửi về.  Từ con số nhỏ nhoi 10 người năm xưa, nay (1556) đã gần 1000 Giêsu Hữu rồi.

Bây giờ cha bận rộn nhiều, mà sức khoẻ ngày càng kém.  Cha phải hy sinh hết công việc mục vụ bên ngoài mà cha yêu thích để soạn các tài liệu nền tảng cho dòng.  Quyển Linh Thao cũng đã được viết lại và in bằng tiếng Latinh năm 1548 để làm tài liệu huấn luyện cho anh em.  Bản Hiến Pháp dòng cũng đã tạm xong.  Phần lớn thời giờ của cha bây giờ là để đọc báo cáo và trả lời thư từ của các anh em khắp nơi gửi về, từ Brazil đến Nhật Bản.  Nào là mở trường ốc, xây cất nhà thờ, lập cộng đoàn mới, nào là việc truyền giáo, việc huấn luyện nhân sự.  Chưa kể thư từ với các cộng sự viên, ân nhân của dòng, cũng như với giáo triều Roma nữa.  Cha phải nhờ cha Polanco giúp làm thư ký cho cha.”

Tôi hỏi người: “Cha soạn hiến pháp dòng như thế nào?”    

Cha I-nhã trầm ngâm:  “Được chuẩn nhận rồi thì có nhiều việc phải lo.  Một tổ chức cần phải có nội quy để điều hành.  Rồi phải đối diện với những sức ép từ bên ngoài cũng như trong anh em.  Làm sao cho dòng phát triển?  Làm sao để huấn luyện người mới?  Nhiều việc lắm.

Lúc soạn Hiến Pháp cha thường áp dụng phương pháp dưới đây: mỗi ngày, cha dâng lễ, trình bày ý định điều lệ đang viết và cầu nguyện về điều đó.  Mỗi lần dâng lễ và cầu nguyện thì không cầm được nước mắt.  Cha cũng hay nhận được các thị kiến lúc đang dâng lễ và khi soạn thảo hiến pháp dòng. Phần nhiều các thị kiến chuẩn xác những điều lệ trong hiến pháp, có khi cha thấy Chúa Cha, có khi cả Ba Ngôi, có khi Ðức Mẹ đang cầu bầu hoặc đang phê chuẩn các điều lệ.  Có một lần, khi đang nhận định về một điều lệ trong luật dòng là các nhà thờ của dòng có nên có nguồn lợi riêng không.  Lần đó, cha đã dùng 40 ngày để nhận định và làm lễ mỗi ngày cho ý chỉ trên. Trong suốt những thánh lễ ấy, cha đã khóc rất nhiều vì thấy Chúa thương mình quá.”

Nói tới đây, cha I-nhã ra hiệu bảo tôi đứng dậy và cùng với người đi lên sân thượng.  Lên tới nơi, cha tâm sự rằng cha hay lên đây mỗi buổi tối để thư giãn và cầu nguyện với Chúa.

Tôi gật đầu: “Con thấy cha thật sự sống kết hợp với Chúa. Nhìn lại quãng đời đã qua cha thấy được điều gì?” 

Người đáp: “Cha theo Chúa nhiều năm và biết mình mắc nhiều lỗi lầm với Chúa, nhưng Chúa vẫn thương.  Từ ngày bị thương ở Pamplona đến nay, mấy chục năm dài mà cha vẫn ngỡ như ngày hôm qua.  Mỗi ngày cha làm phút hồi tâm để đào sâu kinh nghiệm thiêng liêng.  Cha luôn cố gắng phụng sự Chúa để vinh quang của Người được tỏ rạng hơn.  Không phải ngẫu nhiên mà cha chọn khẩu hiệu ‘Để Danh Chúa Cả Sáng Hơn’ (Ad Majorem Dei Gloriam), đó là điều cha thấy rõ nhất qua bao nhiêu biến cố thăng trầm của cuộc đời.  Khi cha tìm và thực thi ý Chúa thì cha có bình an và niềm vui.  Kinh nghiệm thiêng liêng của cha có thể được đúc kết trong phần dẫn nhập của sách Linh Thao, điều mà cha gọi là ‘Nguyên Lý và Nền Tảng’ cũng như trong phần cuối cùng của sách, trong bài ‘Chiêm Niệm để được Tình Yêu’: Hãy cố gắng tìm Chúa trong mọi sự.

Năm nay cha đã gần 65 tuổi, đã đau dạ dày nay lại bị bệnh gan.  Có khi cha chỉ ngồi được có vài tiếng một ngày.  Không biết Chúa còn cho cha sống được bao lâu nữa, nhưng mỗi ngày cha vẫn cố gắng dâng cuộc sống của cha cho Chúa.  Cha thường cầu nguyện thế này:

Lạy Chúa, xin hãy nhận lấy tất cả
sự tự do, trí nhớ, trí hiểu và tất cả ý chí của con.
Tất cả những gì con có và sở hữu đều do Chúa ban cho con.
Con xin dâng lại Chúa tất cả để Chúa hoàn toàn sử dụng theo tôn ý.
Con chỉ xin Chúa cho con tình yêu và ân sủng của Chúa.
Được như thế con đầy đủ lắm và không cần chi hơn
.”

Nói xong cha nhắm mắt trầm ngâm và quỳ xuống.

Không muốn quấy rầy người, tôi nhẹ nhàng bước xuống cầu thang.  Bầu trời Roma đã xế chiều.  Ánh tà dương đang lịm tắt và thành phố đã lên đèn.  Trên sân thượng một người đang ngước mặt thầm thĩ với Đấng Tối Cao.

Cha I-nhã bị đau dạ dày đã nhiều năm và khi đến Roma, ngày càng tệ hơn.  Một buổi chiều muà hè năm 1556, cha I-nhã  nhờ cha thư ký Polanco đi xin phép lành của Đức Phaolô IV  vì biết giờ của mình đã gần đến.  Trước đó y sĩ đến khám và nghĩ rằng cha I-nhã chỉ hơi mệt thôi.   Tin lời y sĩ, cha Polanco nói rằng cha cần phải viết nhiều thư và gửi đi ngày hôm sau.  Sáng mai cha sẽ đi qua phủ giáo hoàng xin phép lành.  Cha I-nhã muốn cha Polanco đi ngay chiều hôm đó, nhưng người lại không ép.  Đêm hôm đó, cha I-nhã trở bệnh. Người kêu danh Chúa luôn miệng.  Cha Polanco chạy gấp sang phủ giáo hoàng nhưng không còn kịp.  Khi mọi người đến thì cha I-nhã đã ra đi trong bình an rạng sáng ngày 31 tháng 7, hưởng thọ 65 tuổi.    

Người được phong chân phước ngày 27 tháng 7 năm 1609, và Đức Gregoriô XV tôn phong người lên bậc hiển thánh cùng với Phanxicô Xavier vào ngày 12 tháng 3 năm 1622.  Hội thánh hoàn vũ kính nhớ người vào đúng ngày người qua đời, 31 tháng 7.

Nhân dịp lễ giỗ lần thứ 450 của cha I-nhã

Antôn-Phaolô, SJ

Trở về Nội Dung